Thể thao 7M Thêm lưu
Trang chủ - Lịch sử - Giải vô địch bóng đá thế giới 1934

Giải vô địch bóng đá thế giới 1934

Giải vô địch bóng đá thế giới 1934 (tên chính thức là 1934 Football World Cup - Italy / Campionato Mondiale di Calcio) là Giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ hai và đã được tổ chức từ 27 tháng 5 đến 10 tháng 6 năm 1934 tại Ý.

Sau thành công của World Cup 1930, số đội tuyển đăng ký tăng vọt khiến giải lần đầu tiên có vòng loại. Đây là giải duy nhất mà đội chủ nhà cũng phải tham dự vòng loại và đội đương kim vô địch (Uruguay) không tham dự. Đội tuyển Anh tiếp tục tẩy chay giải đấu. Thông tin nổi bật khác là đội tuyển Ai Cập là đội tuyển quốc gia đầu tiên không thuộc châu Âu hay châu Mỹ tham dự một kỳ World Cup.

Kỳ World Cup này có sự tổ chức với quy mô vượt trội về điều kiện vật chất so với giải năm 1930 khi có 8 sân vận động được xây mới hay sửa chữa trên toàn nước Ý. Nhưng cũng như Thế vận hội 1936, giải được mang làm công cụ tuyên truyền cho chủ nghĩa Phát xít khiến có đôi chút làm giảm sự thành công của giải.


Logo của World Cup 1934.

Quyết định làm thất vọng giới hâm mộ toàn cầu

World Cup lần thứ hai diễn ra theo thể thức Olympic(có đấu loại). Các nhà vô địch thế giới Uruguay cho rằng họ đã bị cả châu Âu khinh thường ở World Cup 1930. Bằng chứng là trong lần tổ chức đầu tiên đó chỉ có bốn nước châu Âu tham gia và cả bốn đội bóng này đều thi đấu kém cỏi. Chính bởi vậy Liên đoàn Bóng đá nước này đã thông qua quyết định không tham gia World Cup 1934.

Thông tin trên như một tiếng sét phủ đầu giới hâm mộ bóng đá trên khắp hành tinh khiến số lượng vé được bán ra đã giảm mạnh. Theo thống kê, tổng số khán giả tại giải lần này là 395.000/17 trận (trung bình 23.235 người mỗi trận) trong khi ở giải lần trước là 434.500/18 trận (trung bình 24.139 người).

Anh vẫn không chịu tham gia vì sợ thua?

Các Hiệp hội Bóng đá thuộc Liên hiệp vương quốc Anh (Anh, Bắc Ireland, Scotland, Xứ Wales) vẫn không tham gia tranh giải. Trước đó, họ đã rút ra khỏi Liên đoàn Bóng đá quốc tế FIFA và đến giải vô địch lần thứ hai, họ vẫn chưa chịu trở lại. Nhà bình luận người Pháp Gabriel Ano đã viết: "Việc những người Anh không muốn lao vào đọ sức là vì họ muốn tiếp tục để cái huyền thoại về ưu thế bóng đá Anh tồn tại thật lâu, mặc dù trên thực tế lúc đó rất nhiều người đã hoài nghi về sức mạnh bóng đá của đất nước xứ sở sương mù."

Tam đệ anh hào

Các đội tuyển Áo, Tiệp Khắc, Italy được coi là những đội có triển vọng đặt tay lên Cup vàng lần này. Trong ba ứng cử viên đó chỉ mỗi đội chủ nhà là có vẻ ổn định trong cả tấn công lẫn phòng thủ. Dưới bàn tay dẫn dắt của một trong những HLV giỏi nhất thời đó Vittorio Pozzo, đội quân áo thiên thanh đã được xây dựng một cách vững chắc và không quá lệ thuộc vào những cầu thủ được mệnh danh là các ngôi sao.

Ngoài ra trong hàng thủ tuyển Italy có ba cầu thủ mạnh mẽ người Argentina gốc Italy là Luis Monti, Raimondo Orsi, Enrico Guaita. Trên hàng công có Giuseppe Meazza - huyền thoại của Inter - luôn là mối đe dọa cho hàng phòng ngự đối phương. Sau này tên ông được Inter lấy làm tên cho sân nhà tại thành phố Milan cho tới nay.

Trong những năm đó, đội tuyển Áo vốn được coi là kỳ diệu do HLV Hugo Meisl chỉ đạo với ba cầu thủ tầm cỡ thế giới là hậu vệ trái Carl Sesta, tiền vệ giữa Josep Smistik và trung phong nổi tiếng không chiến rất tốt Mathias Sindelar. Trước giải thế giới ít lâu, đội tuyển Áo đã thắng các cầu thủ Italy chính trên sân Turin (Italy) trong một cuộc đọ sức giao hữu với tỉ số 4-2.

Về phía đội tuyển Tiệp Khắc lúc bấy giờ, ngoài thủ thành vĩ đại Frantisek Planicka ra, còn nổi lên hai tiền đạo lừng danh Oldrich Nejedly và Frantisek Svoboda.

Lần đầu tiên xuất hiện vị trí trung vệ

HLV đội Đức Hugo Otto lần đầu tiên đã sử dụng một chiến thuật mới, tức là thay đổi lối chơi truyền thống 2-3-5 bằng lối chơi "WM". Trước kia hai hậu vệ phải đối chọi với ba tiền đạo của đối phương nhưng trong đội hình của Otto tiền vệ giữa Fritz Szepan lùi xuống phía sau. Lịch sử đã gọi đó là vị trí trung vệ đầu tiên. Chiến thuật ấy đã hạ gục người Áo, đem về chiếc huy chương đồng cho đội tuyển Đức để họ tiếp tục nuôi hy vọng tới ngôi vô địch tại kỳ World Cup năm sau.

Zamora - thủ thành Tây Ban Nha bị gãy ba xương sườn vẫn tiếp tục thi đấu tại vòng tứ kết, thành phố Florence đã chứng kiến một sự kiện chấn động. Trong trận tứ kết giữa Tây Ban Nha và Italy , thủ thành Tây Ban Nha 33 tuổi Zamora đã làm một điều kỳ diệu. Các cầu thủ Tây Ban Nha dẫn trước bằng pha đá bồi của Rigayro sau cú sút phạt tuyệt đẹp mà tác giả là cầu thủ trẻ Isidoro Langara. Sang hiệp hai, Giovanni Ferrari đã có bàn gỡ hòa. Trong hai hiệp phụ, Zamora đã dũng cảm đấm bật tất cả những đường bóng như đại bác nã vào khung thành.

Sau trận đấu, người ta mới biết không những trên khắp cơ thể của Zamora đầy những vết bầm tím mà còn bị gãy ba xương sườn. Tin đó lan rất nhanh ra khắp đất Italy rồi toàn châu Âu, đâu đâu cũng thấy hình ảnh của Zamora như một biểu tượng cho tinh thần thi đấu tuyệt vời.

Sang ngày hôm sau, Zamora không thể tiếp tục tham gia trận đấu lại. Trong trận đấu lại này, trọng tài chính Rene Mercet người Thụy Sĩ đã thiên vị cho các cầu thủ chủ nhà rất nhiều tình huống và thế là những người Italy đã giành thắng lợi 1-0 bằng bàn thắng duy nhất của Meazza. Ngay sau đó, Liên đoàn Bóng đá Thụy Sĩ đã treo còi vĩnh viễn vị trọng tài này.

Lại một đội chủ nhà nữa đoạt Cup


Đội Italy giành Cup thế giới năm 1934 trên sân nhà.

Đúng như dự đoán, hai ứng cử viên nặng ký Italy và Tiệp Khắc không có bất cứ khó khăn gì khi dễ dàng vượt qua vòng bán kết để rồi chạm trán nhau trong trận chung kết thứ hai trong lịch sử World Cup. Tại thành phố Roma ngày 10/6/1934, trận chung kết thu hút 50.000 khán giả. Trận đấu khởi đi với ưu thế của Tiệp Khắc. Trong phần lớn thời gian của hiệp 1, các cầu thủ Italy chỉ biết có chống đỡ và chống đỡ. Tuy nhiên, người Tiếp Khắc đã phải chờ đợi tới hiệp hai mới có được bàn mở tỷ số, từ một tình huống đá phạt góc, bóng tới chân Puc Antonin và anh nhanh chân sút tung lưới thủ thành Combi mở tỉ số cho Tiệp Khắc.

Dường như bàn thua đã làm các cầu thủ Italy bừng tỉnh. 8 phút sau, Orsi đột phá, sút bóng căng như "kẻ chỉ" xuyên qua hai tay Planicka gỡ hòa cho đội quân áo thiên thanh. Sang hiệp phụ, với tinh thần của một đội bóng lớn, Italy tiếp tục nâng tỉ số lên 2-1 nhờ công của Schiavo phút 96 và đó cũng là bàn thắng quyết định giúp Italy trở thành nhà tân vô địch World Cup 1934 .Góp công lớn nhất cho thành tích này là HLV Pozzo, ông đã xây dựng được một đội bóng "bất khả chiến bại".

Số đội: 32 (vòng chung kết: 16)
Quốc gia đăng cai: Ý
Đội vô địch: Ý (vô địch lần đầu)
Số trận đấu: 17
Số bàn thắng: 70 (4,12 bàn/trận)
Tổng số khán giả: 395.000
(23.235 người/trận)
Vua phá lưới:
Edmund Conen
Angelo Schiavio
Oldřich Nejedlý (cùng ghi 4 bàn)

Vòng 1 (Ngày 27/5/1934)
Tây Ban Nha - Brazil: 3-1
Áo - Pháp: 3-2
Đức - Bỉ: 5-2
Thụy Sĩ - Hà Lan: 3-2
Tiệp Khắc: Romania: 2-1
Italy - Hoa Kỳ: 7-1
Hungary - Ai Cập: 4-2
Thụy Điển - Argentina: 3-2

Tứ kết (Ngày 31/5/1934)
Tiệp Khắc - Thụy Sĩ: 3-2
Đức - Thụy Điển: 2-1
Áo - Hungary: 2-1
Italy - Tây Ban Nha: 1-1 (Ngày 1/6/1934: Italy - Tây Ban Nha: 1-0đá lại:)

Bán kết (Ngày 3/6/1934)
Tiệp Khắc - Đức: 3-1
Italy - Áo: 1-0

Tranh hạng Ba (Ngày 7/6/1934)
Đức - Áo: 3-2

Chung kết (10/6/1934)
Italy - Tiệp Khắc: 2-1

Những cầu thủ ghi nhiều bàn thắng:
4 bàn: Nejedly (Tiệp Khắc); Conen (Đức); Schiavo (Italy)
3 bàn: Kieholz (Thụy Sĩ); Orsi (Italy)
Bàn thắng nhanh: Giây 30: Lehner (Trận Đức - Áo)
Đội ghi nhiều bàn thắng nhất: Italy 12 bàn
Tổng số bàn thắng: 70 (4,12 bàn mỗi trận)

Thành phố và sân vận động
BXH
  • A
  • B
  • C
  • D
  • E
  • F
  • G
  • H
    Tất cả nội dung của website này đều lấy múi giờ GMT+0800 làm tiêu chuẩn nếu không có quy định khác,xin chú ý.
    Copyright © 2003 - giữ bản quyền,www.7mvn.com bảo lưu tất cả quyền lợi.